Phản ứng Hòa_ước_Versailles

Nội dung của Hòa ước được công bố ở thủ đô Berlin ngày 7 tháng 5 năm 1919. Chính phủ lâm thời chống đối mạnh mẽ việc chấp nhận bản Hòa ước Versailles "Vô lý", theo tên gọi chế giễu bây giờ. Đại đa số nhân dân Đức, dù cho thiên về cánh Hữu hoặc cánh Tả, đều hậu thuẫn chính phủ. Ngày 9 tháng 5, đại biểu Đức tại Versailles viết thư cho Georges Clemenceau rằng một hòa ước như thế là "không thể chấp nhận được đối với bất cứ quốc gia nào."

Chính phủ lâm thời hỏi ý kiến của quân đội: Nếu từ chối ký vào hòa ước, liệu quân đội có thể chống cự cuộc tấn công của Đồng minh hay không? Tổng thống lâm thời Friedrich Ebert đặt câu hỏi này cho Bộ Tư lệnh Tối cao. Ngày 17 tháng 6, Thống chế Paul von Hindenburg cho ý kiến:

Nếu chiến tranh lại xảy ra, chúng ta có thể chinh phục tỉnh PosenBa Lan và bảo vệ đường biên giới của chúng ta về phía đông. Tuy nhiên, về phía tây chúng ta khó mà chống đỡ cuộc tấn công mạnh mẽ xét qua quân số và khả năng của họ đánh gọng kềm chúng ta. Nói chung, chiến dịch khó mà thành công, nhưng với tư cách là một chiến binh tôi không tránh khỏi ý nghĩ là thà thua trong danh dự còn hơn chấp nhận một nền hòa bình nhục nhã.

Lời kết luận của một vị Tổng Tham mưu trưởng được sùng kính là đúng theo truyền thống của quân đội Đức, nhưng có vẻ không được trung thực. Nhân dân Đức không biết Hindenburg đã nghĩ rằng nếu cố chống cự phe Hiệp Ước thì không những vô vọng, mà còn có thể khiến cho cấp chỉ huy quân đội quý giá bị tiêu diệt và từ đó nước Đức cũng bị hủy diệt theo.

Thủ tướng David Lloyd George của Vương quốc Anh, Vittorio Orlando của Ý, Thủ tướng Georges Clemenceau của Pháp, và Tổng thống Woodrow Wilson của Hoa Kỳ.

Qua việc này, Quân đội Đức bị chê trách là đã quá khôn lanh và hèn nhát đã thúc đẩy chính phủ lâm thời ký hiệp ước đình chiến, và sau đó kết án chính phủ là quá yếu đuối, làm tổn hại đến quyền lợi của Đức.

Bây giờ, Đồng minh đang đòi hỏi Đức trả lời dứt khoát. Ngày 16 tháng 6, một ngày trước khi Hindenburg gửi văn bản trả lời cho Ebert, Đồng minh ra tối hậu thư: phải chấp nhận hòa ước chậm nhất là ngày 24 tháng 6, nếu không thỏa ước đình chiến sẽ bị chấm dứt và lực lượng Đồng minh sẽ "có biện pháp cần thiết để áp chế các điều khoản".

Một lần nữa, Ebert kêu gọi đến Quân đội: Nếu Bộ Tư lệnh Tối cao nghĩ có cơ may nhỏ nhoi nào đó để chống cự được Đồng minh, Ebert hứa đảm bảo Quốc hội sẽ bác bỏ hòa ước. Nhưng ông phải có ngay câu trả lời. Thời hạn chót của tối hậu thư, 24 tháng 6, đã đến. Nội các họp vào lúc 16:30 giờ để lấy quyết định cuối cùng.

Hindenburg và Tướng Wilhelm Groener, nhân vật số 2 trong Quân đội, hội ý với nhau. Vị Thống chế già nua, mệt mỏi nói: "Ông cũng như tôi biết rõ rằng không thể kháng cự bằng quân sự." Nhưng một lần nữa, ông không có can đảm nói sự thật với Tổng thống Lâm thời của nền Cộng hòa. Ông bảo Groener: "Ông có thể trả lời cho Tổng thống cũng tốt như tôi thôi."

Và một lần nữa, vị tướng can đảm Groener nhận trách nhiệm cuối cùng đáng lẽ phải thuộc về vị Thống chế, dù ông biết rằng ông bị đưa ra làm vật tế thần cho quân đội. Ông gọi cho Tổng thống nói rõ về quan điểm của Bộ Tư lệnh Tối cao.